06:10, 14/10/2016

Công viên hòa bình

Có khoảng 100 học giả trong nước và nước ngoài tham dự Hội thảo khoa học quốc tế "An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh" diễn ra ngày 11-10 tại TP. Hải Phòng. Các học giả tập trung bàn luận, nêu giải pháp nhiều vấn đề về môi trường ở Biển Đông, nhằm chung tay xây dựng "một Biển Đông xanh - một vùng biển lành mạnh, thịnh vượng và hòa bình".

Có khoảng 100 học giả trong nước và nước ngoài tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” diễn ra ngày 11-10 tại TP. Hải Phòng. Các học giả tập trung bàn luận, nêu giải pháp nhiều vấn đề về môi trường ở Biển Đông, nhằm chung tay xây dựng “một Biển Đông xanh - một vùng biển lành mạnh, thịnh vượng và hòa bình”.


Tại hội thảo, GS. John W. McManus - Khoa Sinh học và Sinh thái biển Đại học Miami (Mỹ) đưa ra đề xuất thành lập công viên hòa bình; theo đó, các bên cùng hợp tác quản lý thủy sản, môi trường và tài nguyên khoáng sản trên toàn bộ vùng biển.


Theo GS. McManus, đề xuất dựa trên cơ sở thực tiễn công viên hòa bình quốc tế Waterton - Glacier lần đầu tiên được thành lập năm 1932; trong đó, Mỹ và Canada cùng quản lý chung nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực có phần ranh giới quốc gia chưa được giải quyết. Tiếp đến là các công viên hòa bình được thành lập ở châu Phi. Ông cho rằng, việc thành lập công viên hòa bình ở Trường Sa và bãi cạn Scarborough không chỉ là bước tiến quan trọng giúp bảo vệ tài nguyên vùng Biển Đông mà còn thúc đẩy ổn định an ninh chính trị trong khu vực. Việc quản lý công viên hòa bình được tiến hành bởi một cơ quan độc lập, đặt dưới sự giám sát của một ủy ban bao gồm các quốc gia có yêu sách chủ quyền và một ban cố vấn gồm các chuyên gia quốc tế có uy tín.


Tại hội thảo, rất nhiều nhà khoa học Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia... ủng hộ ý tưởng này, theo hướng thành lập vùng bảo tồn biển trước, sau đó tiến tới thành lập công viên hòa bình.


Xét trên lĩnh vực khoa học môi trường, thành lập công viên hòa bình là một ý tưởng tốt về việc xây dựng một vùng bảo tồn biển rộng lớn, mang tính quốc tế. Tán thành ý tưởng thành lập công viên hòa bình, nhưng TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng, khó khăn lớn nhất để ý tưởng trở thành hiện thực chính là câu hỏi: phạm vi cụ thể thực hiện công viên hòa bình được xác định như thế nào? Tuy nhiên, theo ông, phán quyết của Tòa trọng tài PCA vừa qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bên xác định được phạm vi để thành lập công viên hòa bình.


Trong khu vực quần đảo Trường Sa hiện đã có Khu bảo tồn biển Nam Yết, có diện tích 35.000ha được Chính phủ xác định ưu tiên phát triển theo Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là sự cố gắng lớn của Việt Nam trong công tác bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sinh thái biển.


Thành lập công viên hòa bình ở Trường Sa không chỉ có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển mà còn tạo địa chỉ để các bên có liên quan thể hiện trách nhiệm cụ thể của mình trước sự phát triển ổn định, bền vững trong khu vực.


PHONG NGUYÊN