11:08, 05/08/2018

Đẩy mạnh trợ giúp trong tố tụng

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) và các chi nhánh đã đẩy mạnh trợ giúp trong hoạt động tố tụng với số vụ việc tăng gấp đôi so với trước.

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) và các chi nhánh đã đẩy mạnh trợ giúp trong hoạt động tố tụng với số vụ việc tăng gấp đôi so với trước.


Nỗ lực trợ giúp


Phiên tòa xét xử vụ án giết người kết thúc đã 1 tuần, nhưng trợ giúp viên pháp lý Thiều Hải vẫn chưa quên cảm giác ấm áp khi anh trai nạn nhân bắt tay cảm ơn. Được trung tâm phân công, anh đã liên hệ với gia đình bị hại ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đường xa, thời gian ít, anh đã linh hoạt trao đổi với anh rể bị hại qua mạng Internet. Sau hơn 20 Email cùng rất nhiều tin nhắn giải thích, thuyết phục, cuối cùng, anh đã giúp gia đình bị hại thông hiểu các phương án bảo vệ, hướng dẫn yêu cầu bồi thường... Phiên tòa kết thúc, tòa chấp nhận tăng bồi thường từ 200 triệu đồng lên 256 triệu đồng.

 

Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa tại một phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 7-2018.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa tại một phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 7-2018.


Anh Hải cho biết, do nhận thức pháp luật hạn chế nên các vụ án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đều đòi hỏi trợ giúp viên pháp lý phải rất nỗ lực. Có lần, trợ giúp pháp lý một vụ án giết người ở huyện Khánh Vĩnh, anh phải lội rẫy nhiều lần tìm gặp đại diện bị hại chỉ để năn nỉ họ đồng ý tới tòa, sau đó nhờ người đến nhà chở đi. Còn luật sư Đỗ Thị Ngọc Mai cũng không ngại ngần chạy xe máy gần 100km ra huyện Vạn Ninh để trợ giúp pháp lý cho mấy thanh niên nghèo đi cướp vịt chỉ vì thiếu mồi nhậu.  


Được biết, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh hiện có 7 trợ giúp viên pháp lý (6 người đã qua đào tạo nghề luật sư), 62 cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Nhằm tăng cường số lượng và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, năm 2017, trung tâm và các chi nhánh đã cử người tham gia tố tụng 27 vụ việc, tăng 200% so với năm 2016; đồng thời, cử người đại diện ngoài tố tụng cho 4 đối tượng có yêu cầu. 7 tháng năm 2018, trung tâm đã cử người tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng 30 vụ việc, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ năm 2017 đến nay, đã có hơn 800 người được trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức, trong đó có gần 200 người nghèo, gần 190 người dân tộc thiểu số.


Tiếp tục đẩy mạnh

 

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, có 14 diện người được trợ giúp pháp lý, gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; một trong những người sau có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Theo ông Huỳnh Duy Thương - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trong tố tụng của trung tâm được đẩy mạnh, một phần do đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã được đào tạo chuyên môn đầy đủ nên muốn rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp bằng cách tham gia hoạt động tố tụng; phần khác, do các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp tốt hơn, tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Hoạt động trợ giúp pháp lý cũng luôn được tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí. Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh thường xuyên kiểm tra, kịp thời nắm bắt khó khăn để tìm giải pháp nâng cao chất lượng tham gia tố tụng.


Tuy vậy, hoạt động này còn những hạn chế. Hiện nay, quy định về thủ tục thanh toán chế độ thù lao, đặc biệt với luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý còn quá rườm rà. Theo quy định, đối tượng này được nhận thù lao từ 3 đến 10 tháng lương tối thiểu/vụ việc, tùy tính chất phức tạp. Tuy nhiên, theo luật sư Ngọc Mai, để nhận thù lao, luật sư phải lấy dấu xác nhận ở từng nơi đến làm việc, lập bảng kê các công việc đã thực hiện theo mẫu, đề xuất chế độ, chờ trung tâm thẩm định… Thực tế, một số luật sư đã không nhận thù lao, phần bởi thủ tục nhiêu khê, phần vì họ chủ yếu muốn sẻ chia với các đối tượng yếu thế. Ngoài ra, tuy số vụ việc tham gia tố tụng tăng mạnh, nhưng vẫn còn những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý chưa có yêu cầu do không nắm rõ quy định. Vì vậy, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý và tăng cường trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.


Ông Trần Quang Bình - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh cho biết, từ năm 2017 đến nay, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Các trợ giúp viên pháp lý đã tận tâm, nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, trung tâm cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực tranh tụng của trợ giúp viên pháp lý, tăng số luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng; bảo đảm mọi đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý.


NGUYỄN VŨ