03:07, 06/07/2018

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Hội nghị thảo luận nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp (GĐTP) và hệ thống tổ chức pháp y tâm thần; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tổ chức GĐTP công lập.

Sáng 6-7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Đề án Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP). Ở điểm cầu Khánh Hòa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đặng Văn Khánh chủ trì.
 
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều vướng mắc về GĐTP trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; xác định tổ chức giám định chủ trì khi quyết định trưng cầu liên quan đến trách nhiệm thực hiện của nhiều tổ chức giám định…
 
 
Từ đó, hội nghị thảo luận nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về GĐTP và hệ thống tổ chức pháp y tâm thần; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tổ chức GĐTP công lập. Đồng thời, kiến nghị cơ chế phù hợp để giám định theo yêu cầu của hoạt động tố tụng trong các lĩnh vực không có tổ chức GĐTP công lập chuyên trách và xã hội hóa hoạt động GĐTP; chính sách thu hút người làm giám định; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau và với cơ quan trưng cầu giám định. 
 

 

Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Khánh Hòa.
Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Khánh Hòa.
 
 
Tại Khánh Hòa, hiện tại có 2 tổ chức GĐTP là Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) và Trung tâm Pháp y (Sở Y tế). Trong 106 giám định viên tư pháp, có 21 người đang hoạt động tại 2 tổ chức GĐTP trên và  85 giám định viên độc lập trong các lĩnh vực: kế toán - tài chính, thuế, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, thông tin - truyền thông... Năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện 1.384 vụ việc GĐTP.
 
 
Khó khăn cơ bản của tỉnh là phần lớn giám định viên tư pháp tại các sở, ngành làm việc kiêm nhiệm; một số lĩnh vực giám định còn thiếu hoặc có rất ít giám định viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng còn thiếu.
 
N.V