08:07, 19/07/2018

"Nóng" chuyện giáo dục, quản lý tài nguyên, khoáng sản

Ngày 19-7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đã làm "nóng" nghị trường bởi những vấn đề đang được cử tri quan tâm.

Ngày 19-7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đã làm “nóng” nghị trường bởi những vấn đề đang được cử tri quan tâm.



Thanh tra toàn diện dự án Nhà ở xã hội Hoàng Quân


Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Minh Long đặt vấn đề: Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư Bắc Vĩnh Hải (gọi tắt là Dự án Nhà ở xã hội Hoàng Quân) do Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (gọi tắt là Công ty Hoàng Quân) đã trễ hạn gần 2 năm nhưng vẫn chưa bàn giao nhà cho người mua theo hợp đồng. Công ty đã bán hết số nhà ở xã hội và thu về 300 tỷ đồng, trong đó có 220 tỷ đồng mà 568 khách hàng đã vay theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ. Đến nay, nhiều cán bộ, công nhân viên phải thuê  nhà ở trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng. UBND tỉnh có biện pháp xử lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà?

 

Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Dự án nhà ở xã hội Hoàng Quân có 1.002 căn hộ, trong đó có 819 căn nhà ở xã hội và 183 căn nhà ở thương mại. Vì khó khăn về nguồn vốn nên công ty đã không đảm bảo được tiến độ bàn giao nhà đã cam kết với khách hàng. Tháng 2-2018, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Hoàng Quân thỏa thuận điều chỉnh thời gian bàn giao nhà với khách hàng. Đồng thời, có kế hoạch thi công cụ thể cho từng phần, huy động mọi nguồn lực để triển khai, đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết (đầu quý III/2018 sẽ bàn giao nhà). Tuy đã thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo nhưng công ty vẫn chưa thật sự tích cực trong việc triển khai dự án, chưa đảm bảo tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng theo cam kết. Do đó, ngày 19-6, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt hành chính Công ty Hoàng Quân 275 triệu đồng. Mới đây, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện dự án Nhà ở xã hội Hoàng Quân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-7. Trong thời gian chậm tiến độ, Công ty Hoàng Quân đã hỗ trợ khách hàng mua nhà 1 triệu đồng/tháng.


Tuy nhiên, theo đại biểu Đoàn Minh Long, thực tế số tiền mà công ty này hỗ trợ chỉ ở mức 480.000 - 540.000 đồng/tháng. Trước sự phản bác này, ông Lê Văn Dẽ cho biết đó là con số mà công ty cung cấp và sẽ làm việc lại với công ty để làm rõ vấn đề này.

 

Dự án Nhà ở xã hội của Công ty Hoàng Quân tại phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang.

Dự án Nhà ở xã hội của Công ty Hoàng Quân tại phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang.

 

Nhiều câu hỏi xoay quanh việc tuyển sinh lớp 10


Đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Diệp đặt câu hỏi vì sao hai năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) luôn phải đề xuất UBND tỉnh tuyển bổ sung sau khi đã tuyển đủ chỉ tiêu học sinh (HS) vào các trường công lập trên địa bàn TP. Nha Trang.


Về vấn đề này, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, TP. Nha Trang luôn là địa bàn có tỷ lệ HS vào lớp 10 công lập thấp nhất tỉnh. Sau khi có kết quả tuyển sinh, phụ huynh và HS đã có đơn xin được học ở trường công lập vì không có khả năng trang trải học phí ở trường ngoài công lập, không yên tâm theo học ở trường nghề. Trên cơ sở đó, sở đã rà soát lại cơ sở vật chất, sắp xếp lại một số phòng học bộ môn, phòng sinh hoạt truyền thống để có thể tuyển thêm HS vào các trường công lập trên địa bàn TP. Nha Trang. Sở GD-ĐT đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tuyển thêm 483 HS. Và việc phải tuyển bổ sung HS là giải pháp tình thế nhằm giải quyết nhu cầu học tập của các em có điểm xét tuyển cao, khi các trường nằm trong quy hoạch chưa được triển khai, trường nghề chưa tạo được niềm tin. Khi xây dựng phương án tuyển bổ sung số HS nói trên, sở đã tính đến việc bố trí giáo viên, cũng như đảm bảo chất lượng giảng dạy cho HS.


Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: “Cách thức tuyển sinh như những năm qua rõ ràng không ổn. Không thể năm nào UBND tỉnh cũng phải tuyển bổ sung”. Về vấn đề này, ông Lê Tuấn Tứ cho biết: Phương thức tuyển sinh nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm. Việc xét tuyển sẽ giúp HS có ý thức học tập, rèn luyện cao hơn. Trong việc thực hiện xét tuyển, sở đã chỉ đạo các trường công khai chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng hồ sơ nộp vào các trường, HS có 7 ngày để thay đổi nguyện vọng xét tuyển… Có nhiều ý kiến cho rằng việc xét tuyển sẽ dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tuy nhiên, trên thực tế những năm qua chất lượng giáo dục của Khánh Hòa vẫn đảm bảo. Đơn cử như đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua được đánh giá là đề thi khó hơn mọi năm, nhưng số lượng HS đạt điểm trung bình (15 điểm) ở 3 môn tổ hợp để xét thi đại học của Khánh Hòa đạt đến 72%, trong khi năm trước chỉ đạt 68,8%.


Trước câu hỏi, Sở GD-ĐT có tính đến việc đổi phương thức tuyển sinh trong năm học tới, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, dự kiến năm học 2019 - 2020, sở sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh, theo hướng: kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển.


Đại biểu Nguyễn Văn Ghi bày tỏ: “Việc để HS Nha Trang có tỷ lệ vào lớp 10 các trường công lập thấp hơn các huyện, thị khác là một điều bất công cho các em…”. Ông Ghi đề nghị ngành Giáo dục cần tính toán lại việc xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục, quy hoạch mạng lưới trường lớp. Trả lời vấn đề này, ông Lê Tuấn Tứ cho biết, trong quy hoạch giáo dục giai đoạn 2012 - 2020 đều đã tính toán đến việc xây dựng các trường mới cho Nha Trang cũng như các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do tỉnh không cân đối được ngân sách nên chưa thể thực hiện đầu tư dẫn đến không thể tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh. “Mấu chốt vấn đề chính là hệ thống trường lớp. Nếu như không giải quyết được vấn đề này thì bài toán về tuyển sinh vẫn sẽ còn nan giải”, ông Tứ khẳng định.


Khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp


Ông Phạm Bình Hoàn - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phản ánh: Việc nạo vét lòng hồ chứa thủy lợi những năm gần đây diễn ra ngày càng nhiều, hoạt động này không chỉ gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, đường sá hư hỏng, khối lượng cát tận thu không kiểm soát được. Ông Hoàn đề nghị phải có giải pháp khắc phục những vấn đề này và xem xét lại về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép nạo vét tận thu cát hiện nay.

 

Khai thác cát trái phép gây sạt lở tại khu vực giáp ranh Diên Khánh - Khánh Vĩnh.

Khai thác cát trái phép gây sạt lở tại khu vực giáp ranh Diên Khánh - Khánh Vĩnh.


Về vấn đề này, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của các chủ hồ chứa trên địa bàn tỉnh, sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các phương án, cấp phép tận thu cát sỏi nạo vét tại 7 hồ chứa trên địa bàn. Thời gian qua có những phản ánh liên quan đến việc nạo vét, tận thu cát sỏi ở các hồ chứa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành hữu quan và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra rà soát tại 7 hồ chứa này. Cụ thể, tháng 11-2017, UBND huyện Cam Lâm có văn bản đề nghị UBND tỉnh tạm dừng, xem xét lại việc nạo vét tại hồ Cam Ranh thì tháng 12-2017, sở đã chủ trì, kiểm tra lập biên bản đề nghị tạm dừng, khắc phục những bất cập, tồn tại về rơi vãi trong vận chuyển, hư hỏng đường sá. Việc giám sát khối lượng cát nạo vét, trách nhiệm thuộc về chủ hồ chứa. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của những doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động nạo vét, tận thu cát, sỏi tại các hồ chứa trên địa bàn; nếu DN có vi phạm mà không khắc phục, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh dừng hoặc thu hồi giấy phép. Cơ sở của trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép nạo vét tận thu cát hiện nay căn cứ vào Pháp lệnh an toàn hồ chứa, các quyết định của Bộ NN-PTNT và của UBND tỉnh.

 

Liên quan đến xử lý trách nhiệm lãnh đạo các địa phương buông lỏng quản lý tài nguyên chưa khai thác, ông Thái cho biết, đến thời điểm này chưa có trường hợp nào bị kỷ luật về vấn đề này. Để có cơ sở đánh giá và xử lý trách nhiệm đối với UBND các cấp trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong năm 2018, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; quyết định ban hành bổ sung phụ lục xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; quyết định quy định nội dung đánh giá, chấm điểm và bình xét thi đua các cụm, khối thi đua của tỉnh, trong đó có xếp loại về nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản.


Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: “Sở TN-MT trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện ở xã nào xảy ra tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trái phép thì làm việc với UBND cấp huyện để chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Những trường hợp ngang nhiên khai thác trái phép, các địa phương phải xử lý nghiêm”.

 

Khai thác cát trái phép tại xã Khánh Nam giáp xã Sông Cầu - huyện Khánh Vĩnh.

Khai thác cát trái phép tại xã Khánh Nam giáp xã Sông Cầu - huyện Khánh Vĩnh.

 

Chưa tính đến việc sản xuất cát nhân tạo


Ông Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đặt vấn đề: Hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng như đá, cát, sỏi… trên địa bàn tỉnh rất lớn, tình trạng khai thác không được cấp phép đang diễn ra ở một số nơi. Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh có kế hoạch xây dựng dự án chế tạo cát nhân tạo hay không? Lấy nguồn vật liệu từ đâu để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường xây dựng tại Khánh Hòa? Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác kéo dài hiện nay, đã có chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nào chịu trách nhiệm về vấn đề này?


Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Về sản xuất cát nhân tạo, tỉnh đã có quy hoạch ở 2 vị trí phía bắc và phía nam tỉnh, với công suất khoảng 400.000m3/năm. Năm 2017, đã có nhà đầu tư khảo sát, đề nghị cho phép lập hồ sơ chế biến cát nhân tạo tại Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) nhưng do trùng lắp với quy hoạch hồ chứa nước sông Cạn nên dự án này chưa triển khai được. Hiện nay, nhu cầu cát xây dựng rất lớn, nhiều nhà đầu tư xin phép khai thác. Việc khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn, do vừa thiếu người, vừa thiếu phương tiện; các đối tượng khai thác lén lút, vào ban đêm; công tác phối hợp chưa tốt…

 
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm


Đối với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã có Nghị định (NĐ) 210 năm 2013, tiếp tục được thay thế bằng NĐ 57 năm 2018 với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút DN nhưng việc triển khai trên địa bàn tỉnh còn chậm, ít DN tiếp cận được. Ông Phạm Bình Hoàn đề nghị Sở NN-PTNT cho biết về việc triển khai cũng như kết quả thực hiện NĐ 210 trên địa bàn. Việc ban hành Nghị quyết 26 năm 2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh thực chất là cụ thể hóa NĐ 210 trên địa bàn tỉnh, khi NĐ 57 có hiệu lực thay thế NĐ 210 thì Nghị quyết 26 sẽ không còn phù hợp, vậy việc tham mưu UBND tỉnh triển khai NĐ 57 đến nay ra sao?


Về vấn đề này, ông Lê Tấn Bản cho hay: NĐ 210 năm 2013 của Chính phủ là NĐ khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh trước mắt cho áp dụng các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đã ban hành, không ban hành chính sách đặc thù của tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, các DN có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hưởng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước theo quy định; trên địa bàn tỉnh đã có 3 DN được hưởng ưu đãi đầu tư gồm: dự án trồng dược liệu của Công ty Cổ phần Trang trại dược liệu Liên Sơn, dự án nuôi heo của Công ty TNHH Hương Liên và dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH Thông Thuận. Đối với hỗ trợ đầu tư, thực tế trong 3 năm qua chỉ có 1 DN được hưởng lợi đó là dự án chăn nuôi heo của Công ty TNHH Seven Farm. Nguyên nhân ít DN được hưởng lợi là do điều kiện quy định về quy mô sản xuất được hưởng lợi theo Nghị định 210 quá cao.


Về sự phù hợp của Nghị quyết 26 sau khi NĐ 57 (thay thế NĐ 210) có hiệu lực từ tháng 4-2018, ông Bản khẳng định: “Chính sách của Nghị quyết 26 không ảnh hưởng gì đến NĐ 210 cũng như NĐ 57 vì chính sách này được thiết kế nhằm giải quyết tiêu chí thu nhập của nông dân trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.


Đối với việc triển khai NĐ 57, theo ông Bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì triển khai. Ngành NN-PTNT đã đề xuất UBND tỉnh khi triển khai nghị định này, nếu có chính sách đặc thù của địa phương thì kết hợp với các giống cây trồng, vật nuôi mang tính chất đặc thù của tỉnh để tập trung ruộng đất phát triển, bởi chính sách của NĐ 57 khác hơn so với NĐ 210 là hỗ trợ để tập trung ruộng đất nhằm tạo thành những khu sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nhìn nhận: Để hưởng các chính sách hỗ trợ thì DN phải có đề xuất cụ thể; thông tin có, chính sách có nhưng thực tế DN chưa mặn mà. Sở sẽ cùng với các cơ quan phối hợp đánh giá để có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai các NĐ hiệu quả hơn. Đối với việc triển khai NĐ 57, đến kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm nay sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách triển khai.


Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý: “Tất cả các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn cần triển khai nhanh nhưng phải trên cơ sở đánh giá thực trạng của tỉnh. Khi ban hành chính sách để thực hiện NĐ 57, việc quan trọng là phải đánh giá tác động của chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đề nghị các ngành, các cấp phải bàn bạc, nghiên cứu; nếu cứ đặt ra trên giấy mà DN không mặn mà thì rõ ràng chính sách không đi vào thực tế cuộc sống”.


Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung TP. Nha Trang bao giờ thực hiện?


Liên quan đến vấn đề chậm triển khai xây dựng Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại TP. Nha Trang, ông Đoàn Minh Long nêu: Hiện nay, tại các phường Phước Hòa, Phước Hải… còn tồn tại rất nhiều lò giết mổ gia súc tư nhân gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự công cộng. Những vấn đề này khiến cử tri hết sức bức xúc. Đây có phải là dự án quan trọng hay không? Đến bao giờ thì dự án này mới được thực hiện và đưa vào hoạt động?


Ông Võ Tấn Thái cho biết: Dự án Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung TP. Nha Trang là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua dự án này chưa triển khai được do lúng túng từ khâu quy hoạch cho đến việc triển khai thực hiện. Sau nhiều lần chuyển địa điểm đầu tư, đến thời điểm này, dự án đã được quyết định chuyển về xã Phước Đồng và đã được phân cấp cho UBND TP. Nha Trang làm chủ đầu tư; giai đoạn 1 của dự án có quy mô 3ha, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Sở TN-MT đã thẩm định xong báo cáo đánh giác tác động môi trường của dự án này. Liên quan đến việc di dời các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. Nha Trang vào Phước Đồng, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh sách các cơ sở giết mổ sẽ di dời vào khu giết mổ tập trung này.


Về tiến độ triển khai, UBND TP. Nha Trang sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư trong năm 2018, thi công trong năm 2019 và sau năm 2019 đưa vào hoạt động. Việc đưa dự án này vào hoạt động sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan như: kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, điều kiện vệ sinh thú y…


XUÂN THÀNH - HẢI LĂNG
(Lược ghi)