12:06, 11/06/2018

Yêu nước thì phải thi đua

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.


Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm nên những mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và từng bước đưa đất nước Việt Nam sánh vai với bè bạn quốc tế. Suốt 70 năm qua, lời dạy của Người tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất năm 1952 vẫn vẹn nguyên giá trị “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất…”.
 

Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11-6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện, triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.


Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 


Tuy nhiên, công tác thi đua đang có những vấn đề còn tồn tại, đó là phong trào thi đua có nơi thực hiện còn hình thức, chạy theo thành tích, nội dung thi đua chung chung. Công tác đánh giá thi đua đang có biểu hiện hành chính hóa một cách cứng nhắc. Đáng chú ý, công tác khen thưởng còn tập trung vào những tập thể lớn khu vực nhà nước, người có chức vụ, chưa chú trọng khen thưởng đối với các tập thể nhỏ, doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là công nhân và người lao động trực tiếp sản xuất. Đáng ngại hơn, đã xuất hiện tình trạng biến tướng trong thi đua mà Đảng ta đã chỉ ra là nạn “chạy khen thưởng, chạy huân chương” cùng với nạn chạy chức, chạy quyền!


Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Khánh Hòa đã thực sự là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mô hình hay, nhiều điển hình tiên tiến với sức lan tỏa mạnh mẽ đã xuất hiện đều khắp trên các lĩnh vực, địa phương. Những đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới như: Tổng Công ty Khatoco, Công ty Yến sào Khánh Hòa… thực sự là cánh chim đầu đàn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phong trào thi đua của tỉnh cũng không khỏi có lúc, có nơi có những biểu hiện chung của cả nước, đây là điều mà các cấp, các ngành và nhất là những cơ quan tham mưu công tác thi đua cần hết sức tỉnh táo, cẩn trọng để kịp thời sửa chữa, khắc phục.


Kỷ niệm 70 năm thực hiện thi đua yêu nước theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng bộ, toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 phong trào thi đua trọng tâm “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay.


Khánh Hòa