04:01, 24/01/2018

Thăm 2 gia đình tham gia Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Vạn Ninh

Ngày 24-1, ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã đến thăm và tặng quà 2 gia đình chính sách tiêu biểu trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, hiện đang ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Đó là gia đình ông Nguyễn Hữu Tương (thôn Xuân Tự 1) và ông Nguyễn Trọng Hảo (thôn Xuân Tây).

Ngày 24-1, ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã đến thăm và tặng quà 2 gia đình chính sách tiêu biểu trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, hiện đang ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Đó là gia đình ông Nguyễn Hữu Tương (thôn Xuân Tự 1) và ông Nguyễn Trọng Hảo (thôn Xuân Tây).

 

 Ông Lê Đức Vinh tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Hữu Tương.
Ông Lê Đức Vinh tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Hữu Tương.

 

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Tương, đoàn đã được nghe ông kể về những năm tháng chiến đấu anh dụng của quân và dân ta. Ông Tương sinh năm 1945, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nhập ngũ năm 1962 tại Đại đội C1, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 270 Quân khu 4. Đến tháng 8-1967, ông được điều động vào Nam chiến đấu ở thành đội Huế, Quân khu Bình Trị Thiên. Những năm tháng chiến đấu ở đây, ông đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

 

Nhớ lại thời khắc lịch sử cách đây 50 năm, ông Tương kể: “Ngày đó, Huế là một trong ba chiến trường chính và là một trong ba trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Do vậy, quân ta đã chia làm 2 cánh. Cánh Bắc phụ trách phần thành phố ở tả ngạn sông Hương và huyện Hương Trà và đây là hướng chính của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở thành phố Huế. Cánh Nam bao gồm phần thành phố ở hữu ngạn sông Hương và hai huyện Hương Thuỷ, Phú Vang. Tôi nằm ở cánh Bắc, sau khi nhận được lệnh đánh vào các căn cứ của địch, người chỉ huy nói lớn: “Đồng chí nào dám nghĩ dám làm thì tiến về phía trước”. Nghe lệnh, tất cả chúng tôi đều bước lên và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”. Nói tới đây, ông Tương nghẹn ngào xúc động.

 

Ông Lê Đức Vinh thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Hữu Tương.
Ông Lê Đức Vinh thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Hữu Tương.

 

 

Còn ông Nguyễn Trọng Hảo sinh năm 1942 trong gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông nhập ngũ năm 1964, rồi được điều vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông Hảo kể: “Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở chiến trường Bình Trị Thiên thời đó khá ác liệt. Thế nhưng, những điều đó vẫn không làm chúng tôi suy giảm về ý chí. Với quyết tâm dành lại độc lập, tất tôi và các đồng đội đã mưu trí, bám sát các mục tiêu đánh địch đến hơi thở cuối cùng. Và cuối cùng chiến thắng đã thuộc về quân giải phóng”. Đến tháng 11-1968, ông Hảo được điều vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) chiến đấu. Tại đây, ông bị thương và bị quân địch bắt giam tại nhà tù Phú Quốc. Trong nhà lao, ông đã cùng với các đồng đội tích cực đấu tranh đòi tự do. Đến năm 1975, khi đất nước được giải phóng, ông mới được giải thoát ra khỏi nhà tù Phú Quốc và trở về địa phương tiếp tục tham gia công tác bên quân đội cho đến ngày về hưu.

 

Ông Lê Đức Vinh tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Trọng Hảo.
Ông Lê Đức Vinh tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Trọng Hảo.

 

 

 

Tại 2 gia đình đến thăm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Lê Đức Vinh đã ân cần thăm hỏi sức khỏe gia đình ông Tương, ông Hảo và chúc 2 ông mạnh khỏe, tiếp tục giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống cách mạng để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, ông Lê Đức Vinh bày tỏ sự biết ơn, ghi nhận sự đóng góp lớn lao của các chiến sĩ cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Công lao ấy của các anh hùng, liệt sĩ đời đời được thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ. Cũng tại đây, ông Lê Đức Vinh đã thông tin đến các gia đình về các hoạt động kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của tỉnh để nhằm ôn lại truyền thống cách mạng và tri ân công lao, sự anh dũng, quả cảm của quân và dân Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung. 

 

VĂN GIANG