09:09, 14/09/2017

Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri

Ngày 14-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo thực tiễn và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.

Ngày 14-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh H tổ chức hội thảo thực tiễn và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu dân cử. Các ông: Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lữ Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Hà Công Long - nguyên Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại hội thảo

 

Phổ biến “đại biểu chuyên trách, cử tri chuyên nghiệp”


Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Lê Xuân Thân nêu lên nhiều vấn đề cần quan tâm để nâng cao chất lượng hoạt động TXCT. Theo quy định, có các hoạt động TXCT theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội; TXCT nơi cư trú, nơi làm việc của đại biểu; TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, các ĐBQH, đại biểu HĐND chủ yếu TXCT trước và sau kỳ họp. Trong thực tế, việc TXCT trước kỳ họp thường thu hút đông cử tri tham dự, còn TXCT sau kỳ họp để báo cáo kết quả kỳ họp thường ít cử tri tham dự. Hiện nay, nội dung các kỳ họp Quốc hội, HĐND được thông tin đầy đủ trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, việc truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, HĐND tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân. Do đó, ông Lê Xuân Thân đặt vấn đề cần xem xét lại việc TXCT sau kỳ họp để thông báo kết quả kỳ họp. Tại Khánh Hòa, sau kỳ họp HĐND tỉnh sẽ có thông báo kết quả kỳ họp và báo cáo kiến nghị cử tri gửi các xã, phường, thị trấn yêu cầu đọc trên đài truyền thanh.

 

Một vấn đề cần quan tâm là các buổi TXCT thường có ít cử tri tham dự. Tình trạng “đại biểu chuyên trách, cử tri chuyên nghiệp” rất phổ biến. Vì thế, độ lan tỏa đối tượng TXCT còn hạn chế. Qua các kỳ TXCT đều là những gương mặt quen thuộc, chủ yếu là cán bộ hưu trí và những người có việc khiếu nại, tố cáo. Ông Lê Xuân Thân cũng đề nghị phải có sự tách bạch giữa nội dung khiếu nại, tố cáo với nội dung kiến nghị của cử tri. Bởi vì, thực tế, nhiều cuộc TXCT biến thành diễn đàn để cử tri khiếu nại, tố cáo, khiến không khí TXCT rất căng thẳng, gây mất trật tự và bức xúc trong dư luận.


Đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri


Từ kinh nghiệm thực tiễn là ĐBQH 3 khóa (XI, XII, XIII), ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị nên có sự đổi mới hình thức TXCT một cách phù hợp, đúng quy định của pháp luật. Ví dụ, không nhất thiết TXCT theo giờ hành chính bởi thực tế, những buổi TXCT vào buổi tối lại thu hút cử tri đông và nhiều thành phần hơn. Ngoài TXCT nơi bầu cử, đại biểu dân cử cần TXCT nơi cư trú, nơi công tác. Để hoạt động TXCT chất lượng, hiệu quả, trước hết mỗi đại biểu phải nỗ lực thực hiện đầy đủ và làm tròn trách nhiệm của mình với cử tri. Trong nhiều trường hợp, ý kiến cử tri liên quan đến vấn đề hiểu và thực thi pháp luật đòi hỏi đại biểu phải giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu các quy định của pháp luật…

 

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

 

Ông Lê Xuân Thân: Đại biểu dân cử TXCT phải nắm được nơi tiếp xúc có vấn đề gì đang nóng, được cử tri quan tâm. Việc ghi nhận, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri phải cụ thể, không chung chung. Quá trình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần có sự liên thông thông tin từ cấp tỉnh đến cấp xã…

Cũng bàn về hình thức TXCT, ông Lê Xuân Thân khẳng định nên đẩy mạnh TXCT chuyên đề để ghi nhận những ý kiến chất lượng. Tán đồng quan điểm này, ông Hà Công Long cho biết, tuyệt đại đa số ý kiến cử tri ở các hội nghị TXCT chủ yếu thuộc về thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương. Những kiến nghị mà các đoàn ĐBQH gửi về Ban Dân nguyện chủ yếu là tổng hợp từ các cuộc TXCT theo chuyên đề ở cấp tỉnh, cấp huyện và ở các cuộc làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh. Vì thế, cần có các hình thức TXCT khác ngoài hội nghị TXCT để ghi nhận các ý kiến góp ý có chất lượng. Tuy nhiên, ông Hà Công Long đề nghị xem xét lại quy định đại biểu có quyền TXCT ngoài địa phương nơi đại biểu ứng cử, bởi qua thực tế theo dõi cho thấy nội dung không khác gì so với TXCT ở địa phương nơi ứng cử. Để mở rộng hình thức TXCT, ông Lê Xuân Thân đề nghị đại biểu dân cử công khai số điện thoại, địa chỉ nơi công tác, hộp thư điện tử… để cử tri có thể liên hệ, phản ánh khi cần thiết.


Từ kinh nghiệm TXCT của đại biểu HĐND TP. Nha Trang, ông Nguyễn Lê Đình Trị - Chủ tịch HĐND TP. Nha Trang chia sẻ, qua TXCT, đại biểu không chỉ ghi nhận mà phải đeo bám việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách thấu đáo, thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau. Vấn đề nào đòi hỏi thời gian, nguồn lực tài chính, cơ chế, chính sách ở tương lai hoặc chưa có điều kiện giải quyết cần giải thích rõ ràng, không từ chối, né tránh. Đây là yếu tố quan trọng góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT. Ngoài nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, các tổ đại biểu HĐND TP. Nha Trang còn nắm bắt thêm tình hình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đặc biệt là những vấn đề bức xúc dân sinh ở cơ sở để chuyển về Thường trực HĐND thành phố. Thường trực HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố xem xét, bổ sung ngay các nội dung này vào kế hoạch đầu tư xây dựng 6 tháng, hàng năm bằng nguồn kinh phí kết dư mà không đợi đến kỳ họp cuối năm mới xem xét bổ sung (năm 2016, có 94 công trình được đề nghị bổ sung với tổng vốn gần 60 tỷ đồng). Việc làm này đã góp phần nâng cao tiếng nói, vai trò của đại biểu HĐND thành phố tại địa phương ứng cử…


N.D