01:02, 18/02/2018

Khám phá hải đăng Hòn Lớn

Nếu bạn là người thích khám phá, ngọn hải đăng Hòn Lớn (TP. Nha Trang) sẽ là điểm đến cực kỳ thú vị. Đây không chỉ là một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam, mà ở độ cao hơn 100m so với mực nước biển, sẽ thấy vịnh Nha Trang hiện ra như một bức tranh thủy mặc cuốn hút bất cứ ai từng đặt chân đến…

Nếu bạn là người thích khám phá, ngọn hải đăng Hòn Lớn (TP. Nha Trang) sẽ là điểm đến cực kỳ thú vị. Đây không chỉ là một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam, mà ở độ cao hơn 100m so với mực nước biển, sẽ thấy vịnh Nha Trang hiện ra như một bức tranh thủy mặc cuốn hút bất cứ ai từng đặt chân đến…


Ngọn hải đăng gần 130 năm tuổi


Xuất phát từ bến tàu Cầu Đá, TP. Nha Trang từ sáng sớm, sau khoảng hơn 2 giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi cập bến. Làng chài Bích Đầm hiện ra yên bình với những dải cát trắng mịn vàng, nước biển xanh như ngọc bích. Đâu đó những mái ngói đỏ tươi ẩn hiện, nép mình bên dãy núi hùng vĩ, sừng sững như che chắn cho cuộc sống của người dân nơi đây.

 


Theo chỉ dẫn, chúng tôi men theo một lối mòn nhỏ, rộng chỉ vừa bước chân người để lên đỉnh núi, nơi có ngọn hải đăng Hòn Lớn. Từ chân núi lên đỉnh chừng 4km, người đi quen cũng phải mất hơn 1 giờ mới tới nơi. Tuy là những khách bộ hành chưa quen lối, nhưng bao mệt nhọc của chúng tôi dường như tan biến khi càng lên cao, cảnh sắc thiên nhiên càng thêm kỳ vĩ, mang lại cảm giác khám phá tuyệt vời.


Sau gần 2 giờ leo núi, ngọn hải đăng Hòn Lớn đặt trên tòa nhà mang kiểu dáng kiến trúc Pháp hiện ra sừng sững trước mắt chúng tôi. Một cảm giác lâng lâng khó tả! Anh Đinh Văn Hữu, Trạm trưởng Hải đăng Hòn Lớn - người đã có 15 năm gắn bó với trạm đèn chia sẻ, Trạm đèn Hòn Lớn được xây dựng từ khoảng năm 1890 và hiện là 1 trong những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam. Hải đăng có độ cao 102m so với mực nước biển. Tòa nhà của trạm hải đăng có diện tích hơn 750m2. Phần tháp đèn cao 16m, có 2 màu sơn chính là trắng và đen; đèn của ngọn hải đăng có thể vươn xa đến 26 hải lý (tương đương hơn 47km). “Nhiệm vụ chính của hải đăng Hòn Lớn là đảm bảo an toàn hàng hải, giúp tàu thuyền hoạt động tại khu vực vùng biển vịnh Nha Trang và một số vùng lân cận”, anh Hữu nói.


Từ trên đỉnh tháp đèn, phóng tầm mắt ra xa, toàn cảnh vịnh Nha Trang hiện ra đẹp như một bức tranh. Chỉ tay về phía nam, anh Hữu cho biết, nơi đó là Hòn Nội, Hòn Ngoại, phía trước mặt là Hòn Mun, Hòn Nọc, phía sau là Hòn Tre. Bức tranh ấy càng sinh động hơn khi điểm tô vào đó là những chiếc thuyền tấp nập ngược xuôi trong vịnh Nha Trang.


Những người canh “mắt biển”


Một ngày của nhân viên trạm bắt đầu bằng việc leo lên gần 60 bậc thang để kiểm tra bóng đèn và hệ thống phản quang, lau chùi đèn và các thiết bị hàng hải, kiểm tra điện áp, theo dõi thông số kỹ thuật để kịp thời phát hiện các sự cố… Những công việc trên đều phải kết thúc trước lúc mặt trời lặn để khi ánh nắng yếu thì bắt đầu bật đèn. Riêng ca đêm, anh em phải thường xuyên quan sát trên không, trên biển, xung quanh khu vực trạm đèn, kiểm tra độ nháy - độ chớp, chu kỳ quay của đèn, nếu phát hiện trục trặc phải sửa chữa kịp thời.

 

 Điểm cao nhất của tháp đèn  so với mặt nước biển là 102m.

Điểm cao nhất của tháp đèn so với mặt nước biển là 102m.


Anh Nguyễn Văn Cường, nhân viên trạm đèn Hòn Lớn tâm sự, hải đăng được xem là “mắt biển” vì có ý nghĩa quan trọng trong việc rọi ánh sáng, giúp hoạt động tàu thuyền lưu thông an toàn. Vì vậy, trạm đèn chẳng bao giờ ngơi nghỉ, chẳng bao giờ tắt dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Những năm qua ánh sáng đèn luôn bảo đảm, đúng tính năng kỹ thuật đã được thông báo về màu sắc cũng như đặc tính ánh sáng. Cả trạm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra bất kỳ tai nạn hàng hải nào do lỗi báo hiệu thuộc trạm quản lý và vận hành”, anh Cường cho biết.


Thế nhưng ít ai biết rằng, để bảo đảm cho “mắt biển” luôn sáng, những cán bộ, nhân viên nơi đây đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Họ như những “người lính” canh trời, giữ biển. “Đời sống của anh em trạm đèn vẫn còn vất vả. Cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, nơi đây hiện vẫn rất thiếu nước ngọt, nhất là vào mùa khô”, anh Cường chia sẻ.


Không chỉ khó khăn về vật chất mà cán bộ, nhân viên Trạm đèn Hòn Lớn còn phải xa gia đình, xa những người thân yêu nhất và đặc biệt, mỗi dịp Tết đến xuân về hầu như mọi người đều đón giao thừa bên tháp đèn. “Công tác tại Trạm đèn Hòn Lớn đã 15 năm nhưng tôi chỉ có 3 lần được đón xuân cùng gia đình. Anh em làm trong ngành ai cũng xác định tư tưởng và coi đó là chuyện không thể tránh khỏi”, anh Hữu nói.


Kết thúc hành trình khám phá hải đăng Hòn Lớn, đọng lại trong tâm trí chúng tôi là một trạm đèn biển cổ tràn đầy sức sống, sừng sững hiên ngang giữa biển trời. Có được kết quả đó là nhờ bàn tay chăm sóc của những nhân viên trạm đèn. Những người luôn tận tụy, không ngại khó, ngại khổ cho những chuyến tàu được an toàn.


THÀNH NAM