07:01, 31/01/2017

Bộ sưu tập máy bay mô hình của trung tá không quân

Gần 20 năm sưu tập, đến nay, Trung tá Trịnh Quang Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Không quân 920 (Trường Sĩ quan Không quân) đã có trong tay hơn 100 máy bay mô hình khá thú vị.

Gần 20 năm sưu tập, đến nay, Trung tá Trịnh Quang Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Không quân 920 (Trường Sĩ quan Không quân) đã có trong tay hơn 100 máy bay mô hình khá thú vị.


Kỳ công sưu tập


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm trong ngành không quân, những chiếc máy bay có sức hút lạ kỳ với anh Vĩnh. Khi còn nhỏ, anh thường mày mò cắt những tấm xốp, bìa cát-tông thành những chiếc máy bay với ao ước một ngày trở thành phi công thực thụ. Từ những năm 1997 - 1998, một lần đi TP. Hồ Chí Minh, anh Vĩnh phát hiện ở đây có bán những bộ kít chứa đầy đủ các bộ phận của một chiếc máy bay. Mua bộ kít này về, anh mày mò cắt ra từng bộ phận, mài cho nhẵn rồi tìm hiểu và lắp ráp chính xác đến từng chi tiết. Có những chiếc máy bay chỉ vài trăm bộ phận, có những chiếc có cả ngàn bộ phận. “Đây là máy bay mô hình tĩnh, khác máy bay mô hình động. Mô hình động là có thể bay được, nhưng các chi tiết không chuẩn 100% như mô hình tĩnh. Máy bay thật có bất cứ thiết bị nào thì máy bay mô hình tĩnh cũng phải có đủ. Có những bộ phận chỉ nhỏ bằng cái kim khâu nên lắp ráp cần tỉ mỉ, đam mê, có đầy đủ thiết bị như: kính lúp, nhíp gắp, keo dán… Sau khi hoàn chỉnh chiếc máy bay, người chơi còn phải mài cho nhẵn, đẹp và sơn màu cho giống thật”, anh Vĩnh giảng giải.

 

Bộ sưu tập máy bay mô hình của Trung tá Trịnh Quang Vĩnh khá công phu
Bộ sưu tập máy bay mô hình của Trung tá Trịnh Quang Vĩnh khá công phu


Giờ đây, khi không có đủ thời gian để hàng đêm ngồi mày mò lắp ráp, anh Vĩnh thường được bạn bè tặng hoặc bán lại với giá rẻ những chiếc máy bay mô hình để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Đến nay, anh Vĩnh có hơn 100 máy bay mô hình cùng hàng chục xe tăng, xe ô tô, tên lửa, tàu thủy mô hình. Những chiếc đẹp và quý được anh đặt trang trọng trong chiếc tủ kính ở phòng khách. “Sưu tầm máy bay mô hình không phải là một trò chơi mà cần sự đam mê, kiên trì và quan trọng là phải có kiến thức về máy bay quân sự”, anh Vĩnh chia sẻ.

 

Một góc bộ sưu tập được anh Vĩnh bảo quản trên tầng 2 tại nhà riêng
Một góc bộ sưu tập được anh Vĩnh bảo quản trên tầng 2 tại nhà riêng


Mỗi chiếc máy bay là một câu chuyện lịch sử


 Điều đặc biệt là mỗi chiếc máy bay mà anh Vĩnh sưu tầm đều gắn với một câu chuyện lịch sử quân sự. Anh Vĩnh cho rằng, sưu tầm máy bay mô hình không những giúp anh bổ sung kiến thức về các loại trang thiết bị, vũ khí, máy bay mà còn am hiểu thêm về lịch sử, truyền thống quân sự, đặc biệt là không quân. Như chiếc Mig21 số hiệu 5121 mà một người bạn đã tặng anh cách đây 4 năm. Đây là chiếc máy bay do Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Tuân điều khiển bắn rơi “pháo đài bay” B52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Hay chiếc Mig17 2537 lẫy lừng của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Bảy. Trong kháng chiến chống Mỹ bảo vệ miền Bắc, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã lái chiếc Mig17 2537 bắn hạ 7 máy bay địch, tạo nên chiến công lừng lẫy trong lịch sử không quân Việt Nam. Những chiếc máy bay của các anh hùng: Nguyễn Văn Cốc, Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Lạng… đều được anh Vĩnh sưu tầm đầy đủ và trưng bày trang trọng. Trong bộ sưu tập của anh còn có đầy đủ các loại Mig 17, 19, 21; hay những máy bay quân đội Việt Nam thu hồi của quân đội Mỹ trong chiến tranh như: A37, UH1, F5… Các máy bay huấn luyện như: L39, IAK52, IAK 18…; các máy bay hiện đại như: Su 27, Su 30MK, Su 22… cũng đều góp mặt. Ngoài ra, anh Vĩnh còn sưu tầm các loại máy bay cũ thời chiến tranh thế giới thứ 2, máy bay hiện đại bậc nhất đang hoạt động ở Mỹ hoặc các nước phương Tây…

 

Mỗi chiếc máy bay gắn với một câu chuyện lịch sử
Mỗi chiếc máy bay gắn với một câu chuyện lịch sử


Anh Vĩnh tâm sự: “Việc sưu tầm cần phải có thời gian và chi phí lớn. Rất khó để ai đó trong thời gian ngắn có được bộ sưu tập cả trăm chiếc máy bay mô hình. Làm trong ngành không quân hơn 20 năm nhưng có rất nhiều loại máy bay tôi chưa từng thấy. Có thể nó quá hiện đại, ở Việt Nam không có; hoặc có những chiếc quá cũ hiện không còn. Qua việc sưu tầm giúp tôi thêm kiến thức về các loại máy bay và thỏa mãn đam mê của một người giảng viên không quân”.

 

Anh Vĩnh và mô hình chiếc Mig21 số hiệu 5121 của Anh hùng Phạm Tuân
Anh Vĩnh và mô hình chiếc Mig21 số hiệu 5121 của Anh hùng Phạm Tuân

 

 

Mô hình chiếc Mig17 số hiệu 2537  của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy
Mô hình chiếc Mig17 số hiệu 2537 của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy

 

Văn Kỳ