09:02, 01/02/2018

Cần có ngôi trường mang tên Ngô Đức Diễn

Ông Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn là hai người có vai trò lớn trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tạo cơ sở cho quá trình thành lập của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.

Ông Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn là hai người có vai trò lớn trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tạo cơ sở cho quá trình thành lập của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.


Ông Ngô Đức Diễn sinh năm 1898 tại làng Kỳ Lạc, xã Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, con trai thứ tư của cụ Ngô Huệ Liên, có người anh cả là chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế. Lúc nhỏ, ông theo cha học chữ Hán ở Huế, tốt nghiệp Cao đẳng Thành chung. Năm 1920, ông được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Quốc học Vinh. Trong thời gian học ở Huế, ông đã tham gia hoạt động cách mạng cùng với các ông: Trần Đình Thanh, Trần Phú, Trần Hậu Vị...


Ngày 14-7-1925, ông Ngô Đức Diễn cùng với các ông: Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Thanh, Phan Kiêm Huy tổ chức hội nghị trên rú Mèo (gần Bến Thủy - TP. Vinh) thành lập Hội Phục Việt do ông Trần Đình Thanh làm hội trưởng. Năm 1929, Hội Phục Việt được đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng, ông được cử làm Ủy viên Thường vụ phụ trách tài chính và kỳ bộ Trung Kỳ. Ông đã gây dựng phong trào cách mạng, tuyên truyền, vận động các tầng lớp trí thức, thanh niên tham gia thành lập cơ sở đảng, chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh tại làng Đỉnh Lự, xã Tân Lộc, Can Lộc (huyện Lộc Hà ngày nay).


Vào những năm 1925 - 1926, hai thầy giáo Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn được cử vào dạy học ở Khánh Hòa. Khi vào Khánh Hòa, thầy Hà Huy Tập dạy học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang (nay là Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi), thầy Ngô Đức Diễn dạy tại Trường Pháp - Việt Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Đồng thời với việc dạy chữ, hai thầy đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đến giáo chức, công chức học sinh…, giúp họ hiểu về công cuộc chống Pháp, giành độc lập và nhiều người trong số họ trở thành những hạt nhân cộng sản đầu tiên ở Khánh Hòa.  


Những hoạt động của thầy Hà Huy Tập và thầy Ngô Đức Diễn bước đầu đã cổ vũ, tập hợp được học sinh, thanh niên, đưa họ lên mặt trận đấu tranh mới. Bởi vậy, trong hai năm 1925 - 1926, trong giới giáo viên, học sinh, thanh niên Khánh Hòa đã có những hoạt động đấu tranh sôi nổi; trong đó đáng chú ý là hai cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh mang tính chất toàn quốc của giáo viên, học sinh, thanh niên trong tỉnh.


Trước những hoạt động sôi nổi của thanh niên, giáo viên, học sinh, chính quyền thực dân Pháp ở Khánh Hòa tìm cách đối phó. Chúng điều động thầy Hà Huy Tập và thầy Ngô Đức Diễn ra khỏi tỉnh. Nhưng từ những hoạt động tích cực của hai thầy, năm 1927, những cơ sở của Đảng Tân Việt đã được thành lập ở Nha Trang và Ninh Hòa. Ở Nha Trang, cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt là các anh: Bùi Giao (nhân viên Sở Lục lộ), Nguyễn Khắc Tài (nhân viên Sở Hỏa xa kiều lộ); ở huyện Tân Định có các anh: Dương Chước (quê Quảng Nam, làm trợ giáo, cùng dạy một trường với Ngô Đức Diễn), Lê Dung (quê Tân Định, là người Khánh Hòa đầu tiên vào Đảng Tân Việt). Đây là những hạt giống cộng sản đầu tiên được gieo mầm trên đất Khánh Hòa. Đến ngày 24-2-1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập. Từ khi ra đời đến nay, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà giành được nhiều thắng lợi to lớn.


Ngày 1-8-1929, ông Ngô Đức Diễn bị giặc Pháp bắt ở Vinh, kết án 13 năm tù, đày đi Côn Đảo. Đầu năm 1930, chúng lại giải về nhà lao Vinh xét hỏi, tra khảo rồi chuyển vào nhà giam Huế. Trong suốt thời gian giam cầm ở các nhà lao, mặc dù bị giặc tra tấn, dùng mọi nhục hình nhưng ông vẫn luôn giữ vững chí khí kiên trung với Đảng, với nhân dân. Ngày 8-4-1930, ông Ngô Đức Diễn bị thực dân Pháp đánh chết trong nhà lao Huế, thi hài đồng chí được an táng tại nghĩa địa nhà tù. Ghi nhận công lao hoạt động của ông Ngô Đức Diễn, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với ông Ngô Đức Diễn.


Ghi nhớ công lao to lớn của các bậc lão thành cách mạng đối với tỉnh nhà, năm 1977, Ty Giáo dục tỉnh Phú Khánh đã đặt tên ông Hà Huy Tập cho một trường THPT ở Nha Trang. Đây là việc làm rất ý nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân Khánh Hòa với các bậc lão thành cách mạng. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa nói riêng, Khánh Hòa nói chung chưa có ngôi trường mang tên liệt sĩ, nhà giáo, cán bộ lão thành cách mạng Ngô Đức Diễn. Bên cạnh đó, cần đính chính lại việc xác định quê quán ông Ngô Đức Diễn trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (1930 - 1975). Cụ thể, ông Ngô Đức Diễn sinh tại làng Kỳ Lạc, xã Trảo Nha, huyện Can Lộc (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), còn trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa ghi đồng chí quê ở Nghệ An.


Lê  Quân
(Hội Sử học Khánh Hòa)