10:01, 16/01/2018

Nên cộng điểm cho học sinh đạt giải môn văn hóa cấp tỉnh

Cách đây chừng gần chục năm, khi đang học Trung học cơ sở, con gái của bạn tôi học rất khá môn Toán và tiếng Anh, nhưng môn Văn lại khá ì ạch. Năm cuối cấp, cô giáo động viên cháu tham gia thi học sinh giỏi môn Toán hoặc tiếng Anh.

Cách đây chừng gần chục năm, khi đang học THCS, con gái của bạn tôi học rất khá môn Toán và tiếng Anh, nhưng môn Văn lại khá ì ạch. Năm cuối cấp, cô giáo động viên cháu tham gia thi học sinh (HS) giỏi môn Toán hoặc tiếng Anh. Tuy nhiên, mẹ cháu lo ngại việc tập trung học đội tuyển sẽ làm cháu hạn chế thời gian học các môn khác nên nhất quyết không cho cháu tham dự kỳ thi. Sau này lớn hơn, cháu tâm sự rằng, hồi đó cháu chỉ muốn thi HS giỏi để thỏa ước mơ chinh phục một đỉnh cao kiến thức mới, để biết được các bạn khác giỏi cỡ nào. Nhưng bản thân cháu cũng không đủ quyết tâm để thuyết phục mẹ đồng ý. Khi cháu vào học lớp 10, bạn tôi mới tỏ ý nuối tiếc: biết thế, hồi lớp 9 cho cháu thi HS giỏi, biết đâu, cháu đã được cộng điểm để đủ điều kiện vào học lớp chuyên mà cháu yêu thích.


Nhớ lại hồi năm học cấp 2, tôi giống như con gái của bạn, cũng chẳng hề suy nghĩ đi thi HS giỏi để giành điểm cộng vào cấp 3. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nỗ lực học tập để cha mẹ vui lòng. Và nỗ lực đó chỉ có thể thể hiện qua những thành tích đong đếm được, như các giải thưởng. Tôi cứ lần lượt gặt hái từ giải thưởng cấp quận, cấp thành phố, đến quốc gia. Đến khi tốt nghiệp cấp 2, chuẩn bị nộp hồ sơ dự thi vào cấp 3, tôi mới biết do được giải quốc gia, tôi đủ điều kiện được chuyển thẳng vào cấp 3 không qua thi tuyển (quy định những năm 1980). Không chỉ vui vì làm hài lòng cha mẹ, tôi còn vui vì được theo đuổi việc học ở lớp chuyên đúng ngành học sở trường.


Gần đây, nhiều người phàn nàn vì có quá nhiều cuộc thi được tổ chức trong khối trường học. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương giảm bớt các cuộc thi dành cho HS phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cũng đã có văn bản về vấn đề này. Quả thực, có những cuộc thi mà cách thức chẳng khác mấy một hội diễn, nhưng vì vẫn được xem xét cộng điểm cho người đoạt giải nên các em vẫn tham gia nhiệt tình. Tuy nhiên, nhìn lại thì thấy, những cuộc thi như vậy vẫn tốn khá nhiều thời gian của HS, giáo viên và hiệu quả giáo dục không cao. Kéo theo đó, việc cộng điểm vào lớp 10 từ những cuộc thi này cũng không phát huy được nhiều hiệu quả trong việc khuyến khích HS học tập, phát huy tài năng. Chưa kể, cũng vì chuyện cộng điểm trong tuyển sinh đầu cấp đã gây ra áp lực căng thẳng cho HS. Trên mạng xã hội từng bàn luận sôi nổi về việc một phụ huynh viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phản ánh việc con em mình tiếp cận với cuộc thi như game online từ sớm, ảnh hưởng tới việc học.


Theo tôi, nên tiếp tục cộng điểm khuyến khích cho HS đạt giải trong kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh trở lên. Điều này chính là một cách khuyến khích mỗi em phát huy, nuôi dưỡng năng lực cá nhân. Một số bạn bè của tôi và con em của họ đều thừa nhận, để đạt giải HS giỏi môn văn hóa cấp tỉnh, các bạn đó phải thực sự có khả năng và xứng đáng được cộng điểm trong tuyển sinh lớp 10. Nhiều HS cũng cho biết các em không hề ganh tị với các bạn tham gia cuộc thi HS giỏi được cộng điểm trong tuyển sinh lớp 10, bởi các bạn đã mang lại thành tích cho bản thân, nhà trường, nên xứng đáng được khen thưởng bằng điểm khuyến khích. Còn điểm cộng dành cho các em được giải các môn thể thao, nghệ thuật nên quy định cho đối tượng HS THPT, bởi nó thiết thực hơn trong việc gắn với định hướng nghề nghiệp của các em sau khi tốt nghiệp THPT.


T.M